Địa lý Madagascar

Bài chi tiết: Địa lý Madagascar
Miền nam của Madagascar có đặc trưng là các hoang mạc và rừng gai.

Madagascar có tổng diện tích 592.800 kilômét vuông (228.900 sq mi),[18] là quốc gia rộng lớn thứ 47 trên thế giới[3] và đảo chính là đảo lớn thứ tư trên thế giới.[18] Quốc gia hầu như nằm giữa vĩ độ 12°N và 26°N, và giữa kinh độ 43°Đ và 51°Đ.[49] Các đảo lân cận Madagascar gồm có tỉnh hải ngoại Réunion thuộc Pháp và quốc gia Mauritius ở phía đông, quốc gia Comoros và tỉnh hải ngoại Mayotte thuộc Pháp ở phía tây bắc. Phía tây là Mozambique, đây là quốc gia nằm gần Madagascar nhất trong số các quốc gia thuộc lục địa châu Phi, hai quốc gia tách biệt nhau qua eo biển Mozambique.

Việc siêu lục địa Gondwana vỡ vào thời tiền sử đã phân tách đại lục Madagascar-châu Nam Cực-Ấn Độ khỏi lục địa châu Phi-Nam Mỹ khoảng 135 triệu năm trước. Madagascar sau đó lại tách khỏi Ấn Độ từ khoảng 88 triệu năm trước, do vậy các loài thực vật và động vật trên đảo tiến hóa tương đối cô lập.[50]

Dọc theo chiều dài bờ biển phía đông của đảo là một vách đứng hẹp và dốc, có phần lớn rừng đất thấp nhiệt đới còn lại của đảo. Ở phía tây của dãy này một cao nguyên nằm ở trung tâm của đảo với cao độ từ 750 đến 1.500 m (2.460 đến 4.920 ft) trên mực nước biển. Các cao địa trung tâm này về mặt lịch sử là quê hương của người Merina và có thủ đô Antananarivo, là phần có mật độ dân cư đông đức nhất của đảo và có đặc trưng là địa hình bậc thang, các thung lũng trồng lúa nằm giữa các đồi cỏ và các rừng bán ẩm nằm rải rác mà khi trước từng bao phủ khu vực cao địa. Ở phía tây của các cao địa, địa hình ngày càng khô hạn và dần dốc xuống eo biển Mozambique, tiếp đến là các đầm lầy ngập mặn nằm dọc bờ biển.[51]

Các đỉnh cao nhất của Madagascar nổi lên từ ba khối cao địa lồi lên: Maromokotro 2.876 m (9.436 ft) trên khối núi Tsaratanana là điểm cao nhất trên đảo, tiếp theo là đỉnh Boby 2.658 m (8.720 ft) trên khối núi Andringitra và Tsiafajavona 2.643 m (8.671 ft) trên khối núi Ankaratra. Ở phía đông, Canal des Pangalanes (sông đào Pangalanes) là một chuỗi các hồ nhân tạo và tự nhiên kết nối bằng các kênh đào được người Pháp xây dựng ngay vùng nội địa gần đường bờ biển phía đông, chạy song song với nó khoảng 600 km (370 mi). Mặt phía tây và phía nam nằm trên bóng mây của các cao địa trung tâm, có các rừng rụng lá khô, rừng gai, hoang mạc và cây bụi khô hạn. Do hai vùng này có mật độ dân số thấp, các rừng rụng lá khô của Madagascar được bảo tồn tốt hơn các rừng mưa ở phía đông hay các miền rừng nguyên bản trên cao nguyên trung tâm. Bờ biển phía tây có đặc trưng với nhiều bến cảng được che chắn, song lắng bùn là một vấn đề lớn do trầm tích, chúng xuất phát từ hiện tượng xói mòn nội địa ở mức độ cao và theo các sông chảy qua những đồng bằng phía tây rộng lớn.[52]

Kết hợp của gió mậu dịch đông nam và gió mùa tây bắc tạo ra một mùa mưa nóng (tháng 11-4) với các xoáy thuận thường xuyên tấn công, và một mùa khô tương đối mát hơn (tháng 5–10). Những đám mây mưa bắt nguồn trên Ấn Độ Dương trút phần lớn hơi ẩm của chúng xuống bờ biển phía đông của đảo; lượng mưa lớn giúp nuôi dưỡng hệ sinh thái rừng mưa của vùng. Các cao địa trung tâm khô hơn và mát hơn, còn phần phía tây thì còn khô hơn nữa, một khí hậu bán khô hạn chiếm ưu thế tại nội địa phía tây nam và phía nam của đảo.[51] Các xoáy thuận nhiệt đới thường gây thiệt hại đến cơ sở hạ tầng, kinh tế địa phương, cũng như gây thiệt hại về nhân mạng.[17]

Sinh thái

Vượn cáo đuôi vòng là một trong trên 100 loài và phân loài vượn cáo được biết đến chỉ tìm thấy tại Madagascar.[53]

Do cô lập kéo dài với các lục địa khác, Madagascar là nơi sinh sống của nhiều loài thực vật và động vật không tìm thấy ở nơi nào khác trên Trái Đất.[54][55] Xấp xỉ 90% toàn bộ các loài thực vật và động vật được phát hiện được tại Madagascar là loài đặc hữu,[56] bao gồm các loài vượn cáo, fossa ăn thịt và nhiều loài chim. Sự đặc biệt về sinh thái học này khiến một số nhà sinh thái học gọi Madagascar là "lục địa thứ tám",[57] và đảo được Tổ chức Bảo tồn Quốc tế phân loại là một điểm nóng đa dạng sinh học.[54]

Trên 80% trong số 14.883 loài thực vật của Madagascar không tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới, bao gồm 5 họ thực vật.[58] Họ Didiereaceae gồm 4 chi và 11 loài chỉ hạn chế trong các khu rừng gai ở tây nam Madagascar.[51] Bốn phần năm số loài trong họ Pachypodium là loài đặc hữu của đảo.[59] Ba phần tư[60] trong số 860 loài lan của Madagascar[58] chỉ được tìm thấy trên đảo, cũng như sáu trong số tám loài bao báp trên thế giới.[61] Đảo là nơi sinh sống của khoảng 170 loài thuộc họ Cau, nhiều gấp ba lần so với số loài thuộc họ này tại đại lục châu Phi; 165 trong số đó là loài đặc hữu.[60] Nhiều loài thực vật bản địa được sử dụng làm thảo dược để chữa nhiều bệnh. Các dược phẩm vinblastinevincristine, sử dụng để điều trị bệnh u Hodgkin, ung thư bạch cầu và các loại ung thư khác, được lấy từ dừa cạn Madagascar.[62] Chuối rẻ quạt, người dân địa phương gọi là ravinala[63] và là loài đặc hữu trong các rừng mưa phía đông,[64] là loài mang tính biểu tượng cao của Madagascar và được đưa vào quốc huy cũng như biểu trưng của Air Madagascar.[65]

Động vật Madagascar cũng đa dạng và có tỷ lệ đặc hữu cao. Vượn cáo được Tổ chức Bảo tồn Quốc tế mô tả là "loài thú kì hạm của Madagascar".[54] Trong môi trường không có khỉ và các đối thủ khác, những động vật linh trưởng này thích nghi với những môi trường sống đa dạng và tiến hóa thành nhiều loài. Năm 2012, chính thức có 103 loài và phân loài vượn cáo,[66] 39 trong số đó do các nhà động vật học mô tả từ năm 2000 đến năm 2008.[67] Chúng hầu như đều được phân loại là loài quý hiếm, dễ bị tổn thương, hoặc gặp nguy hiểm. Có ít nhất 17 loài vượn cáo bị tuyệt chủng kể từ khi loài người đến Madagascar, toàn bộ trong số đó đều lớn hơn các loài vượn cáo còn lại ngày nay.[68]

Một số loài thú khác, bao gồm fossa giống như họ Mèo, là loài đặc hữu của Madagascar. Ghi nhận được trên 300 loài chim trên đảo, trong đó trên 60% (gồm 4 họ và 42 chi) là loài đặc hữu.[54] Một vài họ và chi bò sát đến được Madagascar đã đa dạng hóa thành trên 260 loài, với trên 90% trong số đó là loài đặc hữu[69] (bao gồm một họ đặc hữu).[54] Đảo là nơi sinh sống của hai phần ba số loài tắc kè hoa trên thế giới,[69] gồm có Brookesia micra- loài nhỏ nhất được biết tới.[70] Các loài cá đặc hữu tại Madagascar bao gồm hai họ, 14 chi, và trên 100 loài, sống chủ yếu trong các hồ nước ngọt và sông trên đảo. Mặc dù các động vật không xương sống vẫn còn được nghiên cứu ít tại Madagascar, song các nhà nghiên cứu phát triện ra tỷ lệ cao các loài đặc hữu trong số những loài được biết đến. Toàn bộ 651 loài ốc cạn là loài đặc hữu, tương tự như phần lớn bướm, bọ hung, cánh gân, nhện, chuồn chuồn trên đảo.[54]

Thách thức môi trường

Hệ động thực vật đa dạng của Madagascar bị đe dọa từ các hoạt động của con người.[71] Từ khi loài người đến đảo vào khoảng 2.500 năm trước, Madagascar mất trên 90% rừng nguyên sinh.[72] Số rừng mất đi này phần lớn là do tavy (màu mỡ hay béo), một thói quen nông nghiệp 'chặt và đốt' được những người định cư đầu tiên đưa đến Madagascar.[14] Các nông dân Madagascar tiến hành và duy trì thói quen này không chỉ vì lợi ích thiết thực của nó như là một kỹ thuật nông nghiệp, mà còn vì các liên kết về mặt văn hóa của nó với sự thịnh vượng, sức khỏe và tôn kính phong tục tổ tiên (fomba malagasy).[73] Do mật độ dân số tại đảo tăng lên, phá rừng bắt đầu tăng tốc từ khoảng 1.400 năm trước.[74] Đến khoảng thế kỷ XVI, các khu rừng nguyên sinh tại cao địa trung tâm phần lớn đã bị phát quang.[14] Các yếu tố gần đây hơn góp phần vào việc mất rừng che phủ gồm có tăng trưởng quy mô đàn gia súc kể từ khi chúng được đưa đến khoảng 1.000 năm trước, tiếp tục phụ thuộc vào than củi để nấu ăn, và cà phê nổi lên như là một cây trồng công nghiệp trong thế kỷ qua.[75] Theo một ước tính thận trọng, khoảng 40% số rừng che phủ nguyên sinh bị mất từ thập niên 1950 đến năm 2000, các miền rừng còn lại thưa đi khoảng 80%.[76] Có dự đoán rằng toàn bộ các rừng mưa trên đảo, trừ rừng trong các khu vực được bảo vệ và các sườn núi phía đông dốc nhất, sẽ bị phát quang cho đến năm 2025.[77]

Tàn phá môi trường sống và săn bắn đe dọa nhiều loài đặc hữu của Madagascar hoặc đẩy chúng đến tuyệt chủng. Các loài chim voi trên đảo là một họ đà điểu khổng lồ đặc hữu, chúng bị tuyệt chủng vào thế kỷ XVII hoặc trước đó, nguyên nhân khả dĩ nhất là do loài người săn bắn chim trưởng thành và lấy những quả trứng vốn có kích thước to của chúng để làm thực phẩm.[78] Nhiều loài vượn cáo khổng lồ biến mất cùng với việc những người định cư đến đảo, trong khi các loài khác bị tuyệt chủng trong quá trình kéo dài nhiều thế kỷ khi mà dân số loài người tăng lên tạo áp lực lớn hơn lên môi trường sống của vượn cáo, và trong một số cộng đồng dân cư, tốc độ săn bắn vượn cáo làm thực phẩm tăng lên.[79]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Madagascar http://www.hls-dhs-dss.ch/textes/f/F003453.php http://www.bbc.com/news/world-africa-25588324 http://www.britannica.com/EBchecked/topic/355562/M... http://www.floridata.com/ref/R/rave_mad.cfm http://abcnews.go.com/Technology/wireStory?id=1129... http://books.google.com/?id=I_S1D8cnTiEC&pg=PT19 http://books.google.com/?id=Mpsc2hsYk1YC&printsec=... http://books.google.com/?id=gvREAAAAIAAJ&printsec=... http://books.google.com/?id=nPoGAAAAQAAJ&printsec=... http://books.google.com/?id=owU3-pCIvyYC&printsec=...